Rồng Nam Mỹ khi được nuôi dưỡng ở điều kiện môi trường thích hợp và được chăm sóc đúng cách, loài bò sát này có thể trở thành vật nuôi tuyệt vời, chúng phù hợp với những gia đình có người lớn tuổi, thậm chí là cả trẻ em. Nếu bạn đang cân nhắc việc nuôi Rồng Nam Mỹ thì dưới đây là 10 sự thật thú vị về loài bò sát này.
Rồng Nam Mỹ là loài thằn lằn lớn, có thể sống được từ 20 năm trở lên trong môi trường nuôi nhốt. Chúng có thể dài tới 1.8m và hơn một nửa chiều dài cơ thể Cự đà là đuôi của chúng. Những con Cự đà đực có thể nặng tới hơn 4kg, với một số con đặc biệt lớn có thể lên tới 8kg, trong khi những con cái nhỏ hơn với cân nặng khoảng 3.17kg. Vì vậy, điều đầu tiên bạn cần biết khi nuôi Rồng Nam Mỹ là đầu tư một chiếc bể đủ lớn để chúng có thể sống thoải mái ở đó. Mặc dù loài bò sát khi còn nhỏ có thể nuôi được trong bể cá, nhưng khi chúng lớn hơn, chúng sẽ phát triển rất nhanh và nên được chuyển đến nơi ở rộng hơn, nơi mà bạn có thể kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm và tia cực tím UV. Chuồng nuôi cự đà phải dài ít nhất gấp đôi cơ thể chúng và phải cao tối thiểu 1m5 vì chúng thích leo trèo.
Rồng Nam Mỹ là loài thằn lằn có thân dài và sống rất lâu
Rồng Nam Mỹ thích ở những nơi có nhiệt độ cao, khoảng 32 độ C và không quá lạnh. Nói chung, tùy thuộc vào kích thước của bể nuôi mà bạn có thể lắp cho chúng đèn sưởi để duy trì nhiệt độ lý tưởng ở trong phạm vi này. Cự đà là loài động vật biến nhiệt, cơ thể chúng thay đổi phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường bên ngoài. Khi nhiệt độ xung quanh giảm xuống quá thấp, nhiệt độ cơ thể chúng giảm, hệ miễn dịch của Rồng Nam Mỹ không còn hoạt động tối ưu và quá trình trao đổi chất cũng chậm lại khiến chúng dễ bị bệnh. Ngoài ra, Cự đà cũng cần độ ẩm thích hợp (tối thiểu 60-70%) để giữ đủ nước cho cơ thể, vì chúng hấp thụ nước qua da. Mặc dù luôn cần có bát nước để uống ở trong lồng, chúng cũng nên được phun sương hoặc ngâm nước vài lần một tuần, đặc biệt là ở những vùng có khí hậu khô để tránh tình trạng mất nước.
Giống như nhiều loài bò sát khác, Rồng Nam Mỹ cần tia UV để tạo ra vitamin D trong da, từ đó cho phép chúng hấp thụ canxi từ thức ăn. Không nên lọc tia UV bằng kính (chẳng hạn như qua cửa sổ) mà phải chiếu trực tiếp vào Cự đà. Bóng đèn UV trong nhà cũng nên được thay mới 6 tháng một lần, vì quang phổ UV sẽ bị mất dần mặc dù đèn vẫn có thể chiếu sáng.
Rồng Nam Mỹ cần tia UV để tạo ra vitamin D trong da
Rồng Nam Mỹ nuôi trong nhà mà không có tia UV thường dễ mắc bệnh chuyển hóa xương dẫn đến xương bị mềm, gập thậm chí bị gãy nếu tác động mạnh. Bệnh chuyển hóa xương có thể gây tử vong nhưng có thể chữa được nếu chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì vậy, Cự đà nên được kiểm tra sức khỏe trước khi bạn mang chúng về nhà và ít nhất mỗi năm một lần để đảm bảo chúng luôn được khỏe mạnh.
Khi lớn lên, Rồng Nam Mỹ sẽ lột da và tiếp tục như vậy đến suốt đời, những con non sẽ lột da vài lần mỗi năm và những con lớn đôi khi chỉ một lần một năm. Trong quá trình lột xác, da của Cự đà trở nên mờ đục, xỉn màu hơn và chúng thường ngồi yên nhắm mắt, cơ thể ưỡn lên để nới lỏng lớp da. Cự đà thường cọ xát cơ thể vào các đồ vật trong bể để làm xước các mảng da rụng. Ngâm chúng trong nước hoặc phun sương khi quá trình lột da đang xảy ra có thể giúp phần da khô còn lại dễ rụng hơn. Quá trình lột xác có thể mất đến vài ngày, tùy thuộc vào độ ẩm của bể và liệu trong bể có các đồ vật phù hợp để cọ xát hay không.
Rồng Nam Mỹ là động vật ăn chay, chủ yếu là rau và trái cây, thi thoảng là côn trùng, ốc sên hoặc trứng chim. Khi nuôi loài bò sát này, bạn nên chủ yếu cho chúng ăn thực vật, hạn chế protein động vật, vì protein động vật có thể gây hại cho thận. Rồng Nam Mỹ nên được ăn những loại rau lá như cải rổ, mù tạt, củ cải, rau diếp và cải xoăn. Các loại thực phẩm khác như đậu xanh, đậu Hà Lan, cà rốt, bí và ớt cũng nên có trong chế độ ăn của Cự đà. Chúng cũng ăn được các loại trái cây như xoài đu đủ, táo, chuối. Việc duy trì chế độ ăn chay đa dạng và phù hợp là rất quan trọng trong việc giữ cho chúng luôn được khỏe mạnh.
Trong môi trường hoang dã, Rồng Nam Mỹ có thể tự làm đứt đuôi của mình để chạy trốn nếu bị những con thú săn mồi tóm lấy đuôi. Chúng cũng làm vậy khi đuôi bị giữ lấy hoặc bị kẹt khiến chúng không thể di chuyển. Đôi khi, đuôi của Rồng Nam Mỹ bị đứt rời khi va chạm mạnh vào bề mặt cứng hoặc khi bị dẫm lên. Phần đuôi đã bị đứt của chúng có thể tự mọc lại, đặc biệt là nếu chúng còn nhỏ, khỏe mạnh và vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Chiếc đuôi mới thường mượt, nhỏ, và sẫm màu hơn đuôi cũ. Rồng Nam Mỹ già hoặc những con yếu, không được ăn uống đầy đủ khi bị đứt đuôi thường có thể sẽ không mọc lại.
Cự đà không chỉ có tầm nhìn cực tốt, nhìn rõ các màu sắc cũng như tia cực tím mà ở chúng còn có một cơ quan khác cảm nhận được những tia sáng đặc biệt, đó là con mắt thứ 3 nằm ở trên đỉnh đầu. Con mắt này của chúng có một số đặc điểm giống mới mắt bình thường và nhạy cảm với ánh sáng cũng như các chuyển động. Một điều đặc biệt khác ở con mắt này là không tạo ra hình ảnh như mắt thường nhưng lại giúp chúng phát hiện những kẻ săn mồi đang rình rập xung quanh. Con mắt đặc biệt này còn xuất hiện ở một số loài thằn lằn, cũng như một vài loài cá khác.
Mặc dù không dùng ngôn ngữ nhưng Rồng Nam Mỹ có thể giao tiếp với nhau thông qua chuyển động của đầu và vạt da ở dưới cổ của chúng. Rồng Nam Mỹ sử dụng phần da dưới cổ để chào nhau cũng như đánh dấu lãnh thổ. Những con Cự đà đực cũng làm như vậy khi làm quen mới con cái. Chúng còn gật đầu để nhận biết sự hiện diện của nhau. Hành động gật đầu nhanh hoặc lắc đầu là dấu hiệu cho thấy Rồng Nam Mỹ đang cảm thấy không thoải mái. Lắc đầu nhanh cho thấy chúng đang cực kì khó chịu và bạn nên để chúng yên. Cuối cùng, chúng quất đuôi để bảo vệ bản thân mỗi khi bị đe dọa.
Rồng Nam Mỹ có thể nhận ra chủ nhờ thị giác và thính giác
Bạn có thể sẽ không biết biết điều này, nhưng Rồng Nam Mỹ là loài động vật có thể nhận ra được chủ thông qua hình ảnh và âm thanh. Chúng có tầm nhìn rất nhạy bén, có thể nhìn thấy chủ nhân và nhận ra được. Cự đà cũng có thính giác tốt, mặc dù không có tai ngoài nhưng chúng có màng nhĩ ở cả hai bên đầu. Rồng Nam Mỹ nghe thấy được những âm thanh ở tần số khác mà con người không thể nghe thấy. Nhưng chúng vẫn có thể phân biệt rõ ràng được giọng nói quen thuộc so với những tiếng ồn khác. Rồng Nam Mỹ dù không chạy lại phía bạn khi được gọi giống như loài chó, nhưng chắc chắn sẽ phản ứng lại khi bạn gọi tên chúng.
Tất cả các loài bò sát đều có khả năng có vi khuẩn Salmonella trong đường tiêu hóa, nhưng loài vi khuẩn này không gây hại cho chúng. Tuy nhiên, vi khuẩn trong phân của Rồng Nam Mỹ vẫn là một mối nguy hiểm, chúng có thể trở thành nguồn bệnh tiềm ẩn có khả năng lây lan qua con người cũng như các loài động vật khác nếu tiếp xúc phải.
Khuẩn Salmonella có thể gây rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng, nhiễm trùng máu và thậm chí gây tử vong ở người (đặc biệt là người già và trẻ sơ sinh) có hệ miễn dịch kém. Phân của Rồng Nam Mỹ nên được dọn sạch sẽ ngay khi chúng thải ra, để hạn chế sự lây lan của vi khuẩn. Tất cả Cự đà đều mang trong cơ thể vi khuẩn, vì vậy không khuyến khích những gia đình có trẻ nhỏ nên nuôi loài vật này.
Đôi khi việc chăm sóc Rồng Nam Mỹ có thể khá phức tạp. Nhưng khi được nuôi dưỡng đúng cách, loài bò sát độc đáo này có thể trở thành người bạn đồng hành tuyệt vời của bạn trong 15-20 năm hoặc hơn. Hi vọng bài viết trên có thể cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về Rồng Nam Mỹ
Thú cưng là những người bạn tuyệt vời, hãy bảo vệ chúng!
DogCatFamily Team